Chung tay chống rác thải nhựa

Để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường bền vững, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo đã và đang lan tỏa trong cộng đồng, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực… Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

Để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường bền vững, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo đã và đang lan tỏa trong cộng đồng, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực…

Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả

“Gửi rác - Rút tiền” là mô hình “ATM rác” đầu tiên của cả nước được Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh triển khai thí điểm đặt tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch, phường Phương Nam (TP Uông Bí). Chỉ sau hơn 6 tháng đưa mô hình này vào hoạt động, đến nay đơn vị đã thu gom trên 20.000 tấn rác thải nhựa các loại, gần 98.000 vỏ lon, hơn 3.600 vỏ bao xi măng được thu gom, quy đổi hơn 118.600 điểm, tương ứng hơn 114 triệu đồng. Điều đang nói, toàn bộ lượng rác thải thu gom là nguồn nguyên liệu đầu vào để Công ty hiện thực hóa ý tưởng đầu tư nhà máy ứng dụng công nghệ tái chế rác thải nhựa thành hạt nhựa để làm nguyên liệu sản xuất bao bì đựng xi măng, sản xuất giấy Kraft dùng trong bao bì xi măng.

Mô hình “Gửi rác - Rút tiền” được Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh triển khai hiệu quả hơn 6 tháng nay.

Tham gia mô hình “ATM rác” vào đầu giờ sáng thứ 4 và thứ 6 hằng tuần, cán bộ, công nhân, người lao động của Công ty và người dân ở khu vực lân cận sẽ thu gom các loại rác như rác thải nhựa, kim loại, giấy, vải vụn... để đổi lấy tiền. Khi rác thải tái chế mang lên đổi, sau khi định lượng và tính thành tiền, các khách hàng sẽ nhận được tem phiếu ghi rõ số tiền, số điểm tích lũy, nhận tiền mặt (hoặc chuyển khoản) ngay lập tức. Lúc đầu mô hình chỉ có cán bộ, công nhân viên trong Công ty tham gia, tuy nhiên đến nay, mô hình “Gửi rác - Rút tiền” đã nhân rộng đến 7 phường trên địa bàn TP Uông Bí với quy mô ngày càng thu hút nhiều người dân tham gia. Mới đây ngày 5/10/2022, đơn vị phối hợp với một số phòng, ban chuyên môn của TP Uông Bí phát động cuộc thi VracBank: “Gửi rác - Rút tiền” năm 2022 nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân trên địa bàn thành phố quan tâm và chung tay bảo vệ môi trường, phân loại rác, tái chế, biến rác thải thành tài nguyên.

Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh Vũ Trọng Hiệt cho biết: Đến nay, mô hình “Gửi rác - Rút tiền” đang lan tỏa mạnh mẽ, mang lại lợi ích kép không chỉ giải bài toán về kinh tế, mà còn từng bước hình thành thói quen phân loại rác trong toàn bộ cán bộ, công nhân viên của công ty và cộng đồng cư dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần không nhỏ vào quá trình chống rác thải nhựa, thu gom rác thải tái chế, tái sử dụng chất thải. Từ đây mỗi cán bộ, công nhân lao động, người dân tham gia mô hình này sẽ trở thành tuyên truyền viên tích cực, lan tỏa hành động sống xanh, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà.

Du khách được đổi túi ni lông dùng 1 lần bằng các túi sinh học an toàn ngay tại Cảng tàu khách Cái Rồng trước khi ra Cô Tô.

Với số lượng rác thải hơn 10 tấn/ngày (trong đó, lượng rác thải nhựa chiếm khoảng 1 tấn/ngày) cùng với lượng khách du lịch đang tăng cao, huyện đảo Cô Tô đang đối mặt với thách thức nặng nề trong việc xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa. Trước thách thức về môi trường biển đảo cần được bảo vệ, huyện Cô Tô đã triển khai đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”. Cụ thể hóa đề án này, từ ngày 1/9/2022, Cô Tô thí điểm áp dụng quy định du khách không mang chai nhựa, túi nylon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi khu lịch trên đảo.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho biết: Việc triển khai đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trên đảo hướng đến xây dựng huyện trở thành huyện đảo của Quảng Ninh không có rác thải nhựa. Việc ngăn chặn những tác động tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường biển đảo chính là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thiết thực để phát triển du lịch một cách bền vững, gắn phát triển với bảo tồn, phục hồi nguồn tài nguyên, qua đó tạo sự bứt phá cho kinh tế du lịch, bảo đảm sinh kế người dân, đồng thời giữ được cảnh quan, môi trường tự nhiên.

Chiến dịch làm sạch bờ biển và chống rác thải nhựa ven biển vịnh Hạ Long hằng năm được các tổ chức, đoàn thể duy trì đều đặn tại bãi biển Tuần Châu.

Không chỉ duy trì hiệu quả 2 mô hình chống rác thải nhựa nói trên, hiện nay nhiều phong trào, mô hình chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đã ra đời bước đầu đạt được những kết quả nhất định như: Chi hội Tàu du lịch Hạ Long duy trì mô hình “Cánh buồm xanh”; mô hình Chi hội thu gom ve chai tại các phường: Hà Phong, Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu (TP Hạ Long); duy trì tuyến đường không rác thải nhựa tại phường Tuần Châu; mô hình "Phụ nữ sử dụng túi sinh học tự phân hủy" của phụ nữ phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả); mô hình “5 không, 3 sạch”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên...

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã có ý thức trong việc hạn chế rác thải nhựa và các loại rác thải nguy hại như: Sử dụng túi tự huỷ thay túi nhựa khó phân huỷ; dùng ống hút bằng inox vào sử dụng thay thế cho ống hút nhựa, thay thế hộp nhựa bằng bìa carton, bàn chải đánh răng có cán bằng tre, gỗ, thay vì cán bằng nhựa… có nhiều phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường được gây dựng, duy trì hoạt động vừa mục đích để tuyên truyền đến người dân, đồng thời trực tiếp thu hút cộng đồng cùng tham gia thực hiện.

Hình thành tư duy sống xanh

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (Word Bank), trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa. Dự kiến vào năm 2035 mức thiệt hại GDP của Việt Nam do rác thải nhựa đại dương và ô nhiễm nguồn nước là 3,5%. Các chuyên gia môi trường nhận định tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa nhanh chóng và sự thay đổi lối sống khiến Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới.

Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn cách phân loại rác tại nguồn cho các hộ dân trên địa bàn TP Hạ Long.

Tại Quảng Ninh, theo kết quả điều tra của Bộ TN&MT, tỉnh đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường cũng như mối lo ngại từ ô nhiễm rác thải trên đất liền. Đặc biệt rác thải nhựa đang gây nên những tác hại khôn lường đối với môi trường, đòi hỏi cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong việc nói không với nhựa và túi nilon. Nhận thức rõ mối nguy hại của việc ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa gây ra, thời gian gần đây tỉnh Quảng Ninh đồng loạt ban hành những kế hoạch hành động vì môi trường không rác thải nhựa. Nhiều hoạt động tuyên truyền hướng tới nâng cao nhận thức người dân về tư duy sống xanh, tích cực bảo vệ môi trường được các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư nhân rộng triển khai quyết liệt.

Trung bình mỗi năm, tổng lượng rác thải phát sinh trên địa bàn tỉnh lên đến 60.000-80.000 tấn. Trong đó, TP Hạ Long - điểm du lịch thu hút khách là khu vực có lượng phát thải nhựa lớn 47,6 tấn/ngày. Để giảm thiểu tác hại tiêu cực từ rác thải nhựa, từ đầu năm 2020, dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long” do UNDP và Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ, được Hội Nông dân tỉnh chủ trì triển khai thực hiện trên địa bàn TP Hạ Long.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Đường chia sẻ: Qua hơn 2 năm thực hiện, dự án đã góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức, năng lực quản lý tổng hợp rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa vùng ven biển của cán bộ chính quyền, doanh nghiệp cũng như người dân địa phương. Không chỉ dừng ở việc có kiến thức, nắm được quy trình thu gom, phân loại, xử lý khoa học rác thải, mà còn thực hành các mô hình tái chế rác để “biến rác thành tiền”, như: Thu gom bán phế liệu, tái chế chai nhựa, hộp nhựa, bình nhựa thành bồn hoa, bình hoa, túi, cặp tài liệu, ủ phân vi sinh bán cho các hộ trồng trọt… Từ đó hình thành nhóm hộ gia đình có tư duy sống xanh, tích cực tham gia bảo vệ môi trường xung quanh.

Hội Nông dân tỉnh trao tặng thùng đựng rác bảo vệ môi trường cho Hội Phụ nữ phường Hà Tu (TP Hạ Long).

Ông Đào Mạnh Lượng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, cho biết: Mặc dù du lịch mang lại rất nhiều nguồn lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên cũng mang lại nhiều tác hại về mặt môi trường. Để góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, hiện 100% tàu du lịch trên địa bàn đã ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. Chi hội cũng tiên phong tham gia mô hình “Cánh buồm xanh" của UBND tỉnh thành lập, theo đó các chủ tàu đều phải đạt được các tiêu chí du lịch bền vững. Hiện tại, Chi hội đang có 36 tàu được cấp nhãn sinh thái “Cánh buồm xanh”. Thời gian tới, Chi hội Tàu du lịch tiếp tục cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long, góp phần nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Hạ Long.

Trong kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Với những giải pháp đồng bộ, Quảng Ninh đã và đang chung tay cùng với cả nước góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần đảm bảo môi trường luôn xanh, sạch, đẹp.

Nguồn https://quangninh.gov.vn/

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1218